Nghề giấy nước ta đã hình thành và phát triển từ rất sớm. Theo một thư tịch cổ nước ngoài, Việt Nam đã có nghề làm giấy từ thế kỉ III (sau CN). Người Giao Chỉ thời đó đã biết dùng gỗ mật hương để chế tác thành một loại giấy bản tốt, gọi là giấy mật hương. Một tài liệu khác nói rằng: Khoảng năm 284 các lái buôn La Mã đã mua được hàng vạn tờ giấy mật hương của ta. Cho thấy quy mô sản xuất giấy lúc bấy giờ đã khá lớn. Theo sách “Thập dị kí” của Vương Gia người Trung Quốc (thế kỉ IV) cũng cho biết: người Giao Chỉ đã biết làm giấy từ rong rêu lấy từ lòng biển, gọi tên là giấy Trắc Lí…
Không phải là các khu công nghiệp như hiện nay mà thời xưa các nghề phát triển ở các làng, sự hình thành của nghề gắn liền với sự tích về ông tổ nghề và tên tuổi của một làng.
Nghề giấy và địa danh “Cầu Giấy” ngày nay có liên quan đến nhau không?
Theo thư tịch cổ, vào thế kỉ XIII ở phía Tây kinh đô Thăng Long, có một xóm thợ chuyên nghề làm giấy; theo thần phả còn được lưu giữ tại các đình ở vùng này cho biết, từ thời Lý, làng Dịch Vọng đã có nhiều gia đình chuyên nghề làm giấy. Thời đó dòng Tô Lịch còn chảy qua làng, có chiếc cầu gỗ bắc qua sông, dân làng đặt tên cầu là Cầu Giấy – cầu của làng có nghề làm giấy, để ghi nhớ nghề nghiệp của quê hương. Ngày nay cầu cũ không còn, nhưng dấu tích của nghề làm giấy ở cố đô Thăng Long vẫn gắn mãi với địa danh này.
Đến thế kỉ XV, do nhu cầu của xã hội, việc học hành, giao dịch thi cử phát triển nên đã xuất hiện thêm làng nghề làm giấy ở phường Yên Thái, cũng nằm trong vùng Bưởi ven Hồ Tây, tiếng chày giã dó đã đi vào tâm thức của người Kinh kì, cho tới nay vẫn còn đọng lại trong kí ức của nhiều người:
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
Ông tổ nghề giấy là ai?
Vậy ai là người đã khởi xướng truyền dạy cho dân nghề làm giấy? Cổ sử Trung Hoa nói rõ ông tổ của nghề làm giấy là Thái Luân – một viên quan nhỏ sống vào thời Đông Hán (năm 105 sau CN). Nhưng thực ra, giấy đã ra đời trước Thái Luân chừng hai thế kỉ, Thái Luân có lẽ chỉ là người đã đúc kết kinh nghiệm trong dân gian để làm ra giấy một cách quy mô, bài bản hơn. Ở làng An Cốc, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên – Hà Tây, một trong những làng có nghề làm giấy lâu đời hiện vẫn giữ được một quyển sách viết bằng chữ Nôm nói về cụ tổ nghề, có đoạn như sau:
Mừng công nghĩa hiệp khéo tay,
Khuôn phép ngày rày học được Thái Luân.
Chữ rằng nghệ tinh thân vinh,
Nhờ ơn ngày trước Thái Luân học cùng.
Ngoài cụ tổ nghề giấy Thái Luân mà làng tôn thờ, dân làng nơi đây còn kể lại: Có cụ tổ nghề giấy người Việt (không rõ họ tên) người làng An Cốc đã học nghề từ Trung Quốc đem về truyền dạy cho ba làng: An Cốc, Yên Thái, Yên Hòa.
Người vùng Bưởi thì kể rằng, không rõ cụ từ đâu tới, chỉ biết đầu tiên cụ đến làng Yên Quyết Thượng (tức Yên Hòa) dạy cho dân cách làm giấy, nên gọi là làng Giấy, nhưng vì không hài lòng với cách cư xử ở đây, nên cụ chỉ dạy cho dân làng này làm ra loại giấy thô. Cụ bỏ sang làng Hà Khẩu dạy cho dân biết cách làm giấy quỳ vừa mỏng lại vừa dai. Đến làng Yên Thái, cụ dạy dân ba xóm: Đông, Thọ, Đoài cách làm giấy lệnh, cuối cùng sang Nghĩa Đô cụ dạy cho gia đình họ Lại cách làm giấy sắc, loại giấy này phải “nghè”, tức là dùng vồ gỗ nện vào những tờ giấy đặt trên mặt tảng đá, làm cho giấy thêm nhẵn và dai, bền. Vì thế, Nghĩa Đô còn có tên gọi là làng Nghè.
Ngày giỗ tổ của làng nghề giấy
Hàng năm dân làng An Cốc làm lễ tế cụ tổ nghề Thái Luân và cụ tổ nghề người Việt vào ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng, để nhớ ngày cụ tổ bỏ làng ra đi đến làng Yên Thái và không bao giờ trở về nữa. Còn dân làng vùng Yên Thái, Yên Hòa… thì lấy ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ, đó là ngày cụ tổ từ biệt làng Nghĩa Đô ra đi.
Trong nước ta còn có một số nơi có nghề làm giấy như làng Xuân Ổ còn gọi là làng Ó ở Tiên Sơn – Bắc Ninh, làng Mai Chử (làng Mơ) thuộc huyện Đông Sơn, Thanh Hóa làm giấy bản. Làng Lộc Tụy và Đại Phú (Lệ Thủy – Quảng Bình) sản xuất giấy bằng vỏ cây niết, làng Từ Vân – Thanh Oai – Hà Tây làm giấy bìa bổi...
Ngày nay, các làng nghề giấy truyền thống ở Việt Nam không còn nhiều, thay vào đó là các nhà máy, xí nghiệp sản xuất giấy công nghiệp hiện đại phục vụ nhu cầu về giấy viết, giấy in, bao bì giấy...của nhịp sống hiện đại.
Giấy Bao Bì Toàn Cầu tự hào là một doanh nghiệp Việt đồng hành cùng sự phát triển đi lên của dân tộc. Giấy Bao Bì Toàn Cầu – Sự lựa chọn hoàn hảo.